Ngày 30/06/2023, trường Tiểu học I-sắc Niu-tơn đã tổ chức chương trình tranh biện dành cho CB-GV-NV với mục tiêu nâng cao kỹ năng giao tiếp, thúc đẩy tư duy phản biện và tạo cơ hội giao lưu chuyên môn giữa các thầy cô.
Với mục tiêu chính là phát triển kỹ năng tranh biện, chương trình đã tập trung vào việc rèn luyện khả năng diễn đạt ý kiến, lập luận logic và sự tự tin trong việc thuyết trình. Các giáo viên đã được chia thành những nhóm nhỏ và được đặt trong các tình huống tranh biện thực tế, từ đó đề xuất các lập luận và tìm ra cách thuyết phục đối tác và công chúng. Thông qua cuộc thi, thầy cô có cơ hội nâng cao kiến thức, kỹ năng trong hoạt động dạy học và đào tạo; đồng thời, tạo sân chơi cho các thầy cô giáo sau những giờ làm việc hăng say.
Tham gia cuộc thi, các đội dự thi sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên vai trò (Đồng ý/ Phản đối). Mỗi đội thi có 03 phút để chuẩn bị và mỗi thành viên có tối đa 03 phút để trình bày ý kiến của mình. Với những chủ đề tranh luận hấp dẫn, gần gũi với cuộc sống, các đội chơi đã tự tin trình bày ý kiến của bản thân, đưa ra những lập luận chặt chẽ, đầy thuyết phục. Sau những giờ phút tranh luận đầy căng thẳng, kịch tính, các đội chơi đã cố gắng hết sức đưa ra ý kiến của mình nhằm thuyết phục Ban giám khảo.
Trong suốt chương trình tranh biện, sự hăng say và nỗ lực của từng giáo viên là minh chứng cho quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và sự tự tin khi đứng trước công chúng. Không chỉ những giáo viên giàu kinh nghiệm, mà cả những giáo viên mới tham gia cũng đã có cơ hội phát triển và thể hiện tài năng của mình. Đây là một sân chơi công bằng và khuyến khích mọi người thể hiện sự sáng tạo và tư duy phản biện. Chương trình tranh biện đã mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng cho đội ngũ CB-GV-NV trường Tiểu học I-sắc Niu-tơn:
Nâng cao tư duy phản biện: Tranh biện tạo cơ hội rèn luyện tư duy phản biện và chủ động tìm hiểu về mọi vấn đề thay vì tiếp nhận nó một cách bị động. Thúc đẩy tư duy và đặt ra các câu hỏi về những vấn đề xung quanh cũng như bảo vệ các quan điểm cá nhân về vấn đề đó.
Cải thiện kỹ năng thuyết trình, hình thành phong thái đĩnh đạc trước đám đông: Trong một buổi tranh biện, những debater cần phải thuyết phục mọi người đồng ý với quan điểm, lý luận của mình. Điều này giúp hình thành phong thái tự tin, đĩnh đạc trước đám đông và nâng cao kỹ năng thuyết trình của bản thân.
Nâng cao kỹ năng lắng nghe, ghi chú thông tin và tự tin trước đám đông: Trong một buổi debate những người tham gia debate cần nắm bắt các thông tin và ghi chú những quan điểm của các cá nhân/nhóm khác. Để nắm bắt và chỉ ra những lỗ hổng trong những quan điểm đó. Quá trình này sẽ rèn luyện kỹ năng lắng nghe và ghi chú thông tin cực kỳ hiệu quả!
Nâng cao kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm: Những debater thường có sở hữu kỹ năng làm việc nhóm nổi bật do đặc thù về “teamwork” để chuẩn bị cho các cuộc thi và bài hùng biện của mình. Qua quá trình debate, các debater sẽ được học cách tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người khác để thấy điểm tốt và chưa tốt, cùng nhau thảo luận, đóng góp để có kết quả làm việc hiệu quả. Khi làm việc nhóm, các thành viên cũng học cách trợ giúp và tôn trọng lẫn nhau trong công việc, đề cao tinh thần trách nhiệm. Sự chia sẻ, giúp đỡ sẽ tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm lại với nhau.
Với thành công của chương trình tranh biện, trường Tiểu học I-sắc Niu-tơn đã chứng minh cam kết của mình trong việc tạo điều kiện và khích lệ sự phát triển chuyên môn của giáo viên. Chương trình không chỉ là một sự kiện đáng nhớ, mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và sự phát triển cá nhân của các giáo viên. Bên cạnh việc chú trọng đào tạo học sinh trở thành những nhà lãnh đạo tương lai, trường Tiểu học I-sắc Niu-tơn luôn tích cực xây dựng đội ngũ giáo viên năng động, nhiệt huyết, chất lượng mang đến cho học sinh những bài học bổ ích; tạo cơ hội cho các con phát triển toàn diện nhất.